Bánh in Long Hựu - Vị ngọt quê hương
Trong một ngày đầu tháng 9, chúng tôi về xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước) tìm hiểu về làng nghề làm bánh in Long Hựu. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (chủ tiệm Bánh in Cô Lành) cho biết: “Không biết nghề làm bánh in có tự bao giờ, chỉ biết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày trước, tết mà thiếu chiếc bánh in trên bàn thờ tổ tiên thì mất hương vị đầu năm. Vì vậy, tết về, nhà giàu thì làm bánh in để dành ăn đến ra Giêng, nhà nghèo cũng làm cúng 3 ngày tết. Ngày nay, bánh in được làm bán quanh năm, do đó, người dân khi có nhu cầu cũng dễ dàng mua được”.
Bánh in có hình hoa văn Di tích lịch sử Nhà Trăm cột
Từ một món ăn nhà quê được làm trong dịp tết, giờ đây, bánh in Long Hựu trở thành món ăn đặc sản, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Nguyên liệu làm bánh in chủ yếu là bột nếp, còn nhân bánh được kết hợp hài hòa từ các nguyên liệu có sẵn ở vùng đất Long Hựu như chuối khô, gừng, mè, đậu xanh,...
Ngày trước, bánh in được làm theo phương pháp thủ công với nhiều công đoạn. Trước hết là rang nếp, xay thành bột mịn và trộn với đường tán được nấu chảy, sau đó phải nhồi tay khoảng 30 phút để làm vỏ bánh. Còn nhân bánh được làm bằng chuối phơi khô xắt thành sợi trộn chung với gừng xắt sợi rồi sên với đường đến khi nặng tay thì đem xuống để nguội, thêm đậu phộng và mè; kế tiếp, người thợ dùng khuôn có khắc hoa văn để tạo thành hình bánh.
Về Cần Đước thăm Di tích lịch sử Nhà Trăm cột vừa thưởng thức bánh in và xem biểu diễn nghề làm bánh in truyền thống của vùng đất Long Hựu
Về Cần Đước thăm Di tích lịch sử Nhà Trăm cột, du khách không chỉ được tìm hiểu về kiến trúc điêu khắc cổ mang đậm phong cách Huế ở Long An mà còn được tận mắt chứng kiến các thành viên trong gia đình bà Trần Thị Ngõ (con dâu ông Hội đồng Trần Văn Hoa, là chủ nhân và đang sinh sống tại ngôi nhà) biểu diễn nghề làm bánh in và thưởng thức bánh in bên không gian mang đậm nét cổ kính; đồng thời, có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè sau chuyến du lịch thú vị.
Bà Ngõ bộc bạch: “Với mong muốn phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, gia đình tôi biểu diễn nghề làm bánh in Long Hựu. Việc làm này không chỉ kinh doanh mà chủ yếu giới thiệu về đặc sản của quê hương cho du khách gần xa, nhất là tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan Nhà Trăm cột”.
Chị Trần Thị Thanh Bạch vẫn chọn cách nhồi bột truyền thống để cho ra lò chiếc bánh in thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của vùng đất Long Hựu
Theo chị Trần Thị Thanh Bạch (con gái bà Trần Thị Ngõ), ngày nay, chiếc bánh in làm ra với các thao tác đơn giản và đỡ tốn chi phí. Hầu hết nguyên liệu bột nếp được mua từ TP.HCM, đường được làm sẵn nên giảm một nửa công đoạn. Quan trọng nhất là nhân bánh phải ngon, thơm, béo; bột nhồi phải dẻo,... Riêng gia đình chị Bạch vẫn chọn làm bánh thủ công truyền thống vừa để giới thiệu về nghề làm bánh cổ truyền của quê hương, vừa tạo nên nét đặc trưng riêng của bánh in Long Hựu.
Cụ thể, chị chọn cách nhồi bột bằng tay thay vì bằng máy. Còn nhân bánh như chuối được chọn từ chuối sứ, sau đó ép, phơi khô thay vì mua ngoài chợ không bảo đảm được chất lượng và hương vị. Có lẽ, với những bí quyết và sự tâm huyết đã làm nên danh tiếng bánh in Long Hựu - vị ngọt quê hương trên vùng đất Long Hựu.
Đậm đà hương vị bánh tét cổ truyền
Ngược về xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, chúng tôi đến thăm lò bánh tét Cô Út. Mặc dù không phải dịp lễ, tết nhưng không khí gói bánh tét tại đây rất nhộn nhịp, tấp nập người ra, người vào. Bà Ngô Thị Ánh Hồng (chủ Cơ sở bánh tét Cô Út) cho hay: “Ngày nào lò bánh tét cũng đỏ lửa mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Còn dịp tết, tôi phải thuê cả xóm đến gói bánh tét. Bình quân mỗi dịp tết, gia đình tôi gói hơn 6 tấn nếp với hàng chục ngàn đòn bánh”.
Bánh tét Cô Út vừa kết hợp phương pháp làm truyền thống, vừa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần làm nên thương hiệu
Bánh tét Cô Út có nhiều loại nhân như mỡ, chuối, ba rọi, trứng muối,... với giá bán dao động từ 60.000-105.000 đồng/đòn. Theo các người thợ nơi đây, bí quyết làm nên đòn bánh ngon chính là ở khâu gói bánh, người gói phải cột bánh vừa đủ. Nếu quá chặt thì lớp mỡ bên trong sẽ không chín đều và tỏa hết vị béo ra bên ngoài. Còn cột quá lỏng thì nước thấm vào, bánh không ngon, nhanh hư. Với kinh nghiệm làm bánh cùng với áp dụng máy hút chân không giúp bánh tét Cô Út không chỉ ngon mà còn giữ được từ 6-7 ngày trong điều kiện tự nhiên, không chất bảo quản.
Bánh tét Cô Út có nhiều loại nhân
Bà Ánh Hồng cho biết: “Gói bánh tét đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần mẫn của người thợ trong từng công đoạn. Để có được đòn bánh tét ngon đến tay người tiêu dùng, thợ làm bánh trải qua nhiều giai đoạn cầu kỳ như một nghệ nhân đi tìm những gì tinh túy nhất và sự tâm huyết của họ. Hơn hết, làm bánh phải bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm bán cho khách cũng phải xem như dành cho gia đình ăn, phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, mình ăn được thì khách mới ăn được”.
Với sự quyết tâm, chịu thương, chịu khó, những người thợ lành nghề làm bánh in, bánh tét vẫn đang tỉ mẩn giữ nghề truyền thống của quê hương và mang đến những sản phẩm đặc trưng gắn liền với đời sống dân dã của người dân Nam bộ, góp phần tạo điểm nhấn cho du khách mỗi khi về với vùng đất Long An hiền hòa, mến khách./.