Nhạc sỹ An Thuyên không chỉ được biết đến là người đã khai thác, vận dụng và phát triển dân ca Nghệ Tĩnh một cách tài tình, là một trong số ít nhạc sỹ viết nhạc kịch Việt Nam ở thế kỷ XX, mà ông còn được nhắc đến là người tiên phong gặt hái nhiều thành công trong sáng tác các ca khúc thính phòng trữ tình. Ca khúc “Ở Rừng Nhớ Anh” được ông viết năm 2008 là một trong những ca khúc như vậy.
Tác phẩm “Ở Rừng Nhớ Anh” đã khắc họa một không gian mênh mông của thiên nhiên, nơi mà mọi thứ đều tươi mới, bình yên và đầy sức sống. Những hình ảnh về rừng xanh thắm, dòng sông mát lành và tiếng chim hót trong veo đã làm cho trái tim như tan chảy trong sự yên bình và ngọt ngào của tình yêu.
Tác phẩm quả là bức tranh đa sắc, rộn ràng âm thanh và đầy cuốn hút trước vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên, nơi diễn ra câu chuyện tình lãng mạn đầy cảm xúc. Những ca từ "nhớ anh thêm hồng đôi má, tóc thêm xanh trên đầu" đã gợi mở sự bâng khuâng khiến cho những khoảnh khắc yêu thương trở nên sống động và gần gũi hơn trong tâm trí người đọc, người nghe. Và đưa họ đến với những trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình đầy cảm xúc của tình yêu, từ sự ngọt ngào và ấm áp đến những suy tư sâu lắng và nhớ nhung:
“Rừng ơi xanh thắm chi nhiều để em nhớ anh
Dòng sông bên lở bên bồi, tình em vẫn mới
Tiếng chim hót trong veo, tình em vẫn trong veo
Nhớ anh thêm hồng đôi má, tóc thêm xanh trên đầu
Từ nơi thẳm sâu trong em vang lên tiếng hát
Tiếng hát ngọn thác, réo tình em gọi
Ở đâu người có nghe thác gọi anh về
Tình anh như núi, tình như rừng thiết tha
Đừng có xa nhau anh ơi, dù cách xa nơi muôn nơi
Nhớ thương như suối trong, như suối bao ngày chờ mong
Có là vực sâu cách trở dài lâu, có là đèo cao bao cách chia
Có là cạn khô, thác đầu nguồn, em mãi mãi gọi réo anh như lá rừng…”
Trong tác phẩm này, Nhạc sỹ An Thuyên đã khéo léo sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh và ẩn dụ để ví tình yêu với sự vĩnh cửu và mạnh mẽ của núi và rừng (“Tình anh như núi”, “tình như rừng thiết tha”); Sử dụng kỹ thuật lặp lại từ và cụm từ để làm nổi bật những thông điệp về một tình yêu trong sáng, thủy chung không gì có thể lay chuyển ("tình em vẫn mới" và "tình em vẫn trong veo"); Những ca từ giàu hình ảnh đã khắc họa nên một bức tranh tươi đẹp và lãng mạn với hình ảnh chủ đạo là rừng xanh thắm, dòng sông bên lở bên bồi và tiếng chim hót trong veo. Cùng với lối diễn đạt mềm mại, sự uyển chuyển khi sử dụng các âm vần, nhịp điệu làm cho ngay trong phần ca từ đã có sẵn tính nhạc.
Về phần âm nhạc, tác phẩm “Ở Rừng Nhớ Anh” được Nhạc sỹ An Thuyên viết ở giọng trưởng với tiết nhịp 4/4 vui tươi, tạo sự thăng hoa, niềm hân hoan tích cực. Hai câu nhạc đầu tiên, tác giả sử dụng cách viết dành cho ca khúc, giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng như kể chuyện. Bức tranh âm nhạc được hiện lên với tình yêu thuỷ chung đầy hi vọng của cô gái miền sơn cước: “Tiếng chim hót trong veo, tình em vẫn trong veo/Nhớ anh thêm hồng đôi má, tóc thêm xanh trên đầu …”. Giúp người nghe cảm nhận được, từ trong sâu thẳm nỗi niềm nhớ thương của cô gái như vang lên khúc hoan ca trong tình yêu.
Hai câu nhạc tiếp theo như khúc romace, rất phù hợp với giọng nữ cao trữ tình (Cloratua Soprano), tác giả đã sử dụng nhiều âm hình tiết tấu chùm 4 móc kép chạy nốt tạo sự liền mạch, lôi cuốn và có sự quyết liệt trong cách thể hiện tình cảm.
Đoạn phát triển, Nhạc sỹ An Thuyên vẫn giữ nguyên những âm hình tiết tấu chùm 4 để thể hiện sự mong nhớ dâng trào của cô gái dành cho người yêu vừa thiết tha nồng ấm vừa sâu lắng mà thầm kín. Trong đoạn này tác giả sự dụng phương pháp tái hiện lại điệp khúc nhấn mạnh vào nội dung và thông điệp của tác phẩm.
Đoạn B' về kết là những chùm 4 đơn nhằm nhấn mạnh vào đầu nhịp như cách thể hiện bản Aria lớn vậy, kịch tính, rõ sắc thái và âm nhạc được đẩy lên cao trào với những âm khu cao réo rắt “Có là vực sâu cách trở dài lâu có là đèo cao bao cách chia. Có là cạn khô thác đầu nguồn, em vẫn mãi gọi réo anh…”.
Câu kết đổ về âm chủ của giọng Mi dáng trưởng tạo nên cảm giác đượm buồn và tình yêu kín đáo của cô gái miền sơn cước nhưng vẫn đầy hi vọng khi câu vocali một lần nữa được vang lên đầy cảm xúc với kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp và phong cách thính phòng được thể hiện rõ trong tác phẩm. Đây là sự tiên phong trong cách viết ca khúc Việt Nam mang tính hàn lâm. Sự kết hợp hài hoà và tinh tế ấy, khiến cho tác phẩm đạt đến sự gần gũi, hoà quyện trong những khúc thức. Sự mạch lạc và mang hơi thở âm nhạc đương đại rộng mở nhưng lại thật gần gũi với người nghe khiến cho tác phẩm “Ở Rừng Nhớ Anh” chạm được đến trái tim người nghe.
Nhắc đến ca khúc “Ở Rừng Nhớ Anh”, một ca khúc mang phong cách thính phòng trữ tình của Nhạc sỹ An Thuyên là nhắc đến NSƯT Hương Giang, người thể hiện thành công đầu tiên ca khúc này. Không chỉ am tường ý tưởng nghệ thuật và hình tượng văn học mà Nhạc sỹ An Thuyên đã gửi gắm trong tác phẩm, mà với sự dày dặn về kinh nghiệm xử lý tác phẩm, cách hát trong sáng, tinh tế và khéo léo trong sự kết hợp giữa âm nhạc bác học với ca khúc Việt Nam mang âm hưởng dân gian, giọng nữ cao trữ tình (Cloratua Soprano) - NSƯT Hương Giang đã thể hiện đầy thuyết phục và xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn Quốc năm 2009./.
Nghe ca khúc "Ở Rừng Nhớ Anh" do NSƯT Hương Giang trên Zingmp3 TẠI ĐÂY