Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây đang là xu hướng phát triển trên thế giới, cũng là hướng đi tất yếu để du lịch phát triển bền vững.
Với sự nhất trí của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chi hội Du lịch Xanh được ra quyết định thành lập và quản lý hoạt động với tôn chỉ đề cao du lịch văn hoá, ứng xử với môi trường và bảo vệ thiên nhiên, di sản.
Lễ ra mắt chi hội được tổ chức với sự góp mặt của hơn 100 doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và các hội viên liên kết. Đặc biệt, tới dự buổi lễ ra mắt có ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam - chủ tịch Chi hội Du lịch Xanh; bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Giám đốc công ty xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ; đại diện của Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố; các đồng chí trong Ban thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam - Chi hội Lữ hành Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí.
Bàn giải pháp để phát triển du lịch xanh bền vững, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam - ông Phùng Quang Thắng nhận định: ‘Với lợi thế tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng văn hóa, du lịch xanh đang được đẩy mạnh khai thác, xây dựng nhiều sản phẩm mới, thu hút du khách trong nước và quốc tế!’.
Có thể thấy, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, rất nhiều thói quen của du khách đã thay đổi, kể cả khách nội địa và khách quốc tế. Họ cũng có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, đi lẻ, thậm chí là đi một mình, trong đó điều đặc biệt mà mọi người hướng đến là sự quan tâm đến thiên nhiên.
‘Đối với cấp thành thị, rất nhiều gia đình quan tâm đến loại hình du lịch mang tính văn hoá, đặc biệt là dành nhiều thời gian hơn bên người thân, bạn bè. Có nhiều đối tượng khách khác thì quan tâm loại hình vừa đi du lịch, vừa làm việc từ xa. Do đó sinh ra các cơ sở dịch vụ như 'workstay', là mô hình vừa ở, vừa thư giãn nhưng lại vẫn có không gian làm việc và các tiện nghi đầy đủ.
Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, du khách quan tâm và đi đến những vùng xa xôi, hẻo lánh nhiều hơn, dẫn đến việc liên quan tới loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương. Mặt khác, mỗi khi đến với địa phương thì khách thường có nhu cầu rất cao về du lịch văn hoá. Ngay cả du lịch nông thôn cũng rất phát triển sau đại dịch, ngoài việc thăm thú cảnh quan nông thôn, du khách còn quan tâm đến đời sống của người dân ở khu vực đó, hay những nét di tích, văn hoá, lịch sử.’, Chủ tịch chi hội Du lịch Xanh Việt Nam chia sẻ thêm.
Tất cả những nhu cầu như vậy tạo ra một xu hướng chung đó là du lịch bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, và câu chuyện về ứng xử với môi trường này sẽ càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Do đó dẫn đến việc phát triển du lịch nhưng theo hướng tăng trưởng xanh, tức là trong đó quan tâm những yếu tố về môi trường, văn hoá và lợi ích chung cho cộng đồng.
Tuy nhiên, quá trình vẫn chưa đủ hiệu quả và gặp không ít trở ngại do đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; nhận thức của đơn vị kinh doanh du lịch và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, thiên nhiên chưa cao.
Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh từ các doanh nghiệp du lịch và lữ hành, đồng thời là nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu. Ông Phùng Quang Thắng cũng thể hiện sự kỳ vọng đối với các đơn vị lữ hành, điểm đến, đó là cần lưu ý đến những yếu tố môi trường để bảo đảm an toàn sức khỏe và phát triển bền vững trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch.
Chính vì thế, chi hội Du lịch Xanh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng mục tiêu chung, tìm ra các hoạt động chính cho hội viên sau này để đảm bảo phát triển hiệu quả, quan trọng nhất là tổ chức được các mô hình tăng trưởng xanh phù hợp với từng địa phương và từng doanh nghiệp.