Làng nổi Tân Lập với không gian xanh mát giữa rừng tràm (Ảnh: Quế Quyên)
Một chuyến “về rừng”
Với những bạn trẻ thích trải nghiệm cảm giác thiên nhiên hoang dã, có thể dành chuyến “xuất ngoại” nho nhỏ khi chọn tour: Làng cổ Phước Lộc Thọ, Làng nổi Tân Lập, khu Ramsar Láng Sen, Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. Du khách có thể bắt đầu chuyến tham quan tại Làng cổ Phước Lộc Thọ, nằm trên địa phận huyện Đức Hòa, nơi đây có nhiều công trình kiến trúc cổ và không gian xanh. Đến đây, du khách như “trở về nguồn cội” khi đắm mình trong những không gian cổ xưa với hơn 22 nhà gỗ cổ và hàng ngàn cổ vật. Các nhà gỗ tại làng cổ là những gian nhà cổ tiêu biểu mang phong cách của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Du khách có thể chiêm ngưỡng từ bộ ván của vua Bảo Đại, bộ bàn của quan tứ phẩm, chiếc gương soi của hoàng hậu,... đến nhiều vật dụng thời xưa và những món đồ cổ độc đáo khác.
Làng cổ Phước Lộc Thọ (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) - điểm du lịch với không gian mang đậm nét hoài cổ. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Rời khu Làng cổ Phước Lộc Thọ, theo Quốc lộ N2, du khách đến với Làng nổi Tân Lập để được đắm mình vào thiên nhiên xanh biếc những bóng tràm. Ở đó, du khách được tận mắt nhìn rừng tràm trải dài ngút mắt khi đứng trên tháp cao 38m và được đặt chân đi trên “con đường xuyên rừng dài 5km”. Lá dưới chân xào xạc, bóng râm mát trên đầu. Không gian mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên sẽ cho bạn một trải nghiệm thú vị. Du khách có thể dùng bữa trưa với những đặc sản miền sông nước: Canh chua cá linh bông điên điển, cá lóc nướng trui cuốn lá sen, chuột đồng nướng, gỏi sầu đâu khô cá lóc,...
Từng đàn chim về với Khu bảo tồn trong mùa sinh sản
Rời làng nổi, theo đường kênh 79, du khách đến khu Ramsar Láng Sen để khám phá khu đất ngập nước với nhiều loài thực vật hoang dã, nhiều nhất là: Sen, súng, năn ngọt, lúa ma,...
Động vật ở Láng Sen cũng rất phong phú: Sếu đầu đỏ, già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, le le, cò trắng chân xanh, vịt trời,... Chèo thuyền len lỏi giữa đồng sen xanh mát, du khách được nghe tiếng chim đập cánh xạc xào, tiếng cá quẫy nước dưới mái chèo để thấy mình gần gũi với thiên nhiên.
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp - Nơi đầy tiềm năng để phát triển du lịch
Tạm biệt Láng Sen, theo Quốc lộ 62, du khách quay về Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp để trải nghiệm cảm giác “đi chợ Campuchia”, đứng bên cột mốc biên giới để thấy sự thiêng liêng của từng tấc đất quê hương.
Đi chợ vùng biên ở cửa khẩu Bình Hiệp là một trải nghiệm lý thú không thể bỏ qua khi đến đây. Chợ vùng biên Bình Hiệp chỉ cách cửa khẩu vài trăm mét, nơi đây luôn nhộn nhịp với nhiều mặt hàng bắt mắt, trong đó, nổi bật là hàng Việt Nam, Thái Lan và một số sản phẩm của Campuchia.
Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” hấp dẫn nhiều khách tham quan
Hành trình tìm về quá khứ
Nếu không tham gia du lịch sinh thái, du khách có thể chọn chuyến đi “theo dòng lịch sử” viếng thăm các di tích tại Long An: Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Bảo tàng Long An, Nhà Tổng Thận, lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.
Bắt đầu chuyến đi của mình tại khu Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, du khách được chiêm ngưỡng 2 tranh “lao động - sản xuất” ghép từ các mảnh gốm đầy tính mỹ thuật. Bên trong quần thể tượng đài là không gian trưng bày với 8 hộp hình tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Long An hiền hòa, bình dị nhưng rất đỗi hào hùng.
Bảo tàng Long An
Rời Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, du khách di chuyển đến Bảo tàng Long An, nơi lưu giữ hàng chục ngàn hiện vật thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó có thời kỳ văn hóa Óc Eo. Đến với Bảo tàng Long An, du khách không chỉ được chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh, trận đánh Miễu Bà Cố, trận Mộc Hóa, lá cờ Long An Trung dũng, kiên cường,... mà còn được ngắm lối kiến trúc cổ của bảo tàng.
Nhà Tổng Thận còn lưu giữ nhiều vật dụng hàng trăm năm tuổi
Đến với Nhà Tổng Thận, du khách có thể thỏa đam mê chụp ảnh của mình với không gian cổ tại đây. Ngôi nhà này được phục dựng nguyên mẫu như ngôi nhà cũ được xây dựng từ khoảng năm 1892-1893 và là nơi được chọn làm trụ sở công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng Tháng Tám-1945,... Bên trong căn nhà lưu giữ những cổ vật hàng trăm năm tuổi: Giường, ghế, tủ, đèn bàn,... Các vật dụng có những nét chạm trổ và khảm xà cừ tinh xảo. Chiếc đèn ngủ hàng trăm năm tuổi tại đây vẫn còn sử dụng được.
Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức
Rời Nhà Tổng Thận, du khách đến thăm khu lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Khu lăng mộ được trang trí cầu kỳ, chạm khắc hoa văn rồng, hoa lá, mây, hoa sen, mặt trời và nhiều câu đối chữ Hán. Nổi bật nhất ở đây là bia đá cao hơn 1,5 mét, rộng gần 1 mét được chuyển từ Huế vào. Không gian càng trở nên trang nghiêm hơn khi xung quanh mộ là những cây to lớn râm mát.
Cách lăng mộ Quận công chỉ vài trăm mét, du khách có dịp chiêm ngưỡng cây Trôm với dáng uy nghi, hoành tráng có trên 350 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Quốc gia.
Cây Trôm Khánh Hậu - Cây Di sản Việt Nam
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh - Trần Văn Hửng, Long An có tiềm năng du lịch rất lớn, tuy nhiên, do việc tổ chức các dịch vụ kèm theo còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút được du khách. Ngoài những tour du lịch đến các địa điểm nổi bật, thế mạnh của tỉnh, du khách cũng có thể tham gia các tour cuối tuần được thiết kế gọn nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Vào mùa nước nổi, du khách cũng có thể tham gia tour du lịch mùa nước nổi để có thể tận tay hái bông điên điển, giăng lưới cá đồng chuẩn bị một bữa cơm dân dã giữa vùng Đồng Tháp Mười đang đỏ nặng phù sa!