NSƯT Hương Giang: Đến với nghệ thuật bằng đam mê cháy bỏng và lao động sáng tạo

Gần 30 năm trong quân ngũ, thượng tá, NSƯT Nguyễn Hương Giang, giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã gặt hái khá nhiều thành công.

Còn mãi ngọn lửa khát khao, cống hiến

Hương Giang sinh ra và lớn lên trên dải đất Quỳnh Lưu (Nghệ An) đầy nắng gió. Ngay từ thuở ấu thơ, lời ru của bà, câu hát dân của mẹ cùng với truyền thống hoạt động nghệ thuật của gia đình đã chắp cánh cho niềm đam mê ca hát của cô. Ngay từ thời còn là học sinh phổ thông, Hương Giang đã nhiệt tình tham gia các chương trình văn nghệ của trường và phong trào địa phương. Học hết THPT, năm 1994, Nguyễn Hương Giang thi vào hệ trung cấp thanh nhạc của trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) và trở thành người chiến sĩ. Ra trường, Hương Giang về “đầu quân” cho Đoàn nghệ thuật Quân khu 9. Với giọng nữ cao, giàu nội lực, trữ tình và mang âm hưởng dân ca, chị đã chiếm được cảm tình của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng miền Tây Nam Bộ. Trong khoảng thời gian 6 năm công tác ở Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 đã giúp chị có thêm nhiều trải nghiệm và thành công trên con đường nghệ thuật. Để rồi sau đó chị đã trở về học thanh nhạc hệ đại học tại Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau khi tốt nghiệp, năm 2009 Hương Giang về công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Quân đội. Về đơn vị mới có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi, chị đã phải rèn luyện, phấn đấu và trở thành giọng nữ đơn ca của nhà hát và tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới, tiêu biểu là Huy chương bạc Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 do Bộ VHTTDL tổ chức. Đến năm 2012, tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Hương Giang vinh dự đoạt Huy chương vàng.

null

 

 

Hương Giang có giọng hát tinh tế, dù đó là những tác phẩm chính ca hay ca khúc và cả những ca khúc mang âm hưởng dân gian. Với chất giọng nữ cao trữ tình (soprano), cô đã thể hiện rất thành công các tác phẩm Ở rừng nhớ anh, Có một dòng suối trong lành. Đây chính là hai tác phẩm lớn của nhạc sĩ An Thuyên hội tụ trong đó có tính chất ca khúc, romance, aria nhưng đều được Hương Giang xử lý một cách hài hòa, nhuần nhuyễn và tinh tế nên cô đã đoạt được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc trong hai cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc.

Theo yêu cầu, nhiệm vụ, năm 2016, Hương Giang về công tác tại khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Đến với nghệ thuật bằng sự đam mê cháy bỏng và lao động miệt mài, sáng tạo cùng những thành tích xuất sắc trong chặng đường hoạt động nghệ thuật, trong năm 2016, Nguyễn Hương Giang vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.  

Cuộc sống và con đường nghệ thuật của NSUT Hương Giang cứ lặng lẽ trôi, như dòng sông quê chứa đựng bên trong sóng ngầm cả những hạnh phúc thăng hoa. Trao đổi với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề, chị tâm sự: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Tôi đến với nghệ thuật bằng sự đam mê và khát khao cháy bỏng. Người dân xứ Nghệ quê tôi bốn mùa lam lũ, nhưng sức sống mãnh liệt; sống thủy chung, trọn nghĩa, vẹn tình. Vì vậy, tôi muốn chuyển tải đến người nghe cảm nhận sâu sắc hơn hình ảnh quê hương qua những tác phẩm âm nhạc. Hồi còn ở các đoàn nghệ thuật, tôi luôn hát những ca khúc về quê hương, đất nước với nỗi niềm tha thiết. Giờ đây, với cương vị là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ đòi hỏi người giảng viên vẫn phải “cháy” hết mình. Ngoài giảng dạy về chuyên môn, tôi còn có những câu chuyện cảm động kể về quá trình công tác khi đến với các chiến sĩ nơi đảo xa, các vùng biên giới khó khăn vất vả, đến với bà con đồng bào miền núi...Những câu chuyện, những kỷ niệm đó không đơn thuần là chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là một sự tương tác thực tế và chân thành nhất nhằm tiếp thêm ngọn lửa khát khao cống hiến cho nghệ thuật. Và đó cũng là danh dự và niềm tự hào của người nghệ sĩ, chiến sĩ trong thời bình...”

Vai diễn “để đời”

Nhắc tới chuyện vai diễn “để đời”, thượng tá Nguyễn Hương Giang tâm sự: “Để có được thành công như hôm nay một phần có ảnh hưởng bởi người chú ruột của tôi là thiếu tướng, cố nhạc sĩ An Thuyên. Ông là người rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất bao dung và độ lượng. Ông thường căn dặn tôi là hãy cố gắng vươn lên bằng chính tài năng và nghị lực của bản thân. Chính tấm Huy chương vàng danh giá tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2008 mà tôi đạt được cũng nhờ ông tin tưởng “chọn mặt, gửi vàng” đấy”.

80209dcf9d70412e1861-1682346936.jpg
 

Năm ấy, vở nhạc kịch Hai người mẹ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 (tác giả và đạo diễn: Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên) dựa trên tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức, đã gây tiếng vang lớn. Dư luận khi ấy ghi nhận đây là bước đi tự tin, mạnh dạn, một bước đột phá của Ðoàn nghệ thuật Quân khu 9 trên miền sông nước Cửu Long khi đến với một loại hình nghệ thuật biểu diễn mới, có tầm cao về tư duy và hình thức thể hiện.

Hình tượng âm nhạc mà người nhạc sĩ tài ba tâm đắc nhất là nữ anh hùng Lê Thị Ràng - chị Sứ của vở diễn. Thế nhưng vấn đề chọn ai là người  đảm nhận vai chị Sứ là không hề đơn giản, bởi đây là vở Opera-nhạc kịch. Sau nhiều lần trao đổi, thống nhất, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 quyết định chọn ca sĩ trẻ Hương Giang. Với giọng hát nữ cao giàu nội lực, vừa mang tính hùng ca, lại đậm đà màu sắc trữ tình, Hương Giang đã hoàn thành rất xuất sắc. Có thể nói, những ngày tháng ấy, đại úy Nguyễn Hương Giang vào vai chị Sứ rất ấn tượng và thành công hơn cả sự mong đợi, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, cống hiến vì nghệ thuật của người nghệ sĩ trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi về vai diễn “để đời” này, thượng tá, NSƯT Nguyễn Hương Giang tâm sự: “Vào vai chị Sứ thành công là một nỗ lực rất lớn của tôi. Để vào vai ấy, nhiều đêm tôi thức trắng để đọc đi, đọc lại tác phẩm Hòn Đất. Rồi từ mỗi trang sách, lại ướm thử vào ca từ mà mỗi khi cất tiếng hát, nước mắt lại trào ra. Và cứ thế, tôi miệt mài luyện tập, để rồi chị Sứ từ trang tiểu thuyết đã bước lên sân khấu. Ngày đó, bạn bè, đồng nghiệp và các thầy cô ngỡ ngàng vì một diễn viên trẻ như tôi lại có thể vào vai và biểu diễn thành công nhận vật chị Sứ đến vậy”.

Giờ đây, ngoài niềm vui được hát, nhiệm vụ chính là người “truyền lửa”, Hương Giang cảm thấy mình là người hạnh phúc và may mắn. Phút chia tay, giọng Hương Giang nhỏ nhẹ: “Tôi muốn truyền tất cả đam mê và kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ. Điều mà em tâm đắc nhất truyền lại cho lớp trẻ không chỉ là kỹ thuật thanh nhạc đơn thuần, mà là hơi thở, là cái tình mà người nghệ sĩ nên đặt vào bài hát để truyền tải cho người nghe cảm nhận...”.

Link nội dung: https://nguyenhuonggiang.vn/nsut-huong-giang-den-voi-nghe-thuat-bang-dam-me-chay-bong-va-lao-dong-sang-tao-a79.html