Nơi lưu giữ nét văn hóa xưa
Ngôi làng này nằm ở thị trấn Đức Hòa, cách Tp.HCM khoảng hơn 1 giờ di chuyển. Từ Tp.HCM, đi theo đường Bà Hom gặp Tỉnh lộ 10 rồi chạy thẳng đến ngã ba Đức Hòa (tỉnh Long An), tiếp tục rẽ trái vào đường tỉnh 824, đi thêm khoảng 10 phút nữa là đến (ngay gần Đại học Tân Tạo).
Tọa lạc nơi tiếp giáp chuyển vùng từ Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ, chính điều này tạo nên một bản sắc riêng độc đáo vừa mang vẻ đẹp của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long vừa có nét duyên của miền Đông Nam bộ của Làng cổ.
Làng cổ Phước Lộc Thọ được ông Dương Văn Mỹ – một người đam mê đồ gỗ cổ xây dựng từ năm 2006 với tổng diện tích ngôi làng hơn 10ha.
Với cảnh quan sinh thiên nhiên hữu tình, làng quê êm ả, ngôi làng toát lên vẻ đẹp thanh tao, phảng phất một chút hoài cổ. Đây là điểm du lịch dành cho du khách thích không gian làng quê cổ xưa, thanh bình, mát mẻ.
Khi đến khu làng cổ, du khách sẽ thấy cổng làng này được xây dựng tựa như cổng thành ngày xưa của các đời vua Việt Nam. Bước qua cổng bạn sẽ đến khu hòn non bộ lớn, với những tượng hình những chú chim đan rỉa cá cùng những thác nước tuôn chảy róc rách. Phía cổng chính đi vào, bên phải là nơi đặt tượng Phước Lộc Thọ bằng đá cẩm thạch.
Đi vào bên trong khuôn viên của làng là 22 ngôi nhà gỗ cỗ có tuổi đời từ 80 đến 150 năm được những bàn tay của các bật thầy điêu khắc phục dựng, mang những màu sắc hình ảnh của nền văn hoá 3 miền Việt Nam.
Trong quần thể của làng cổ Phước Lộc Thọ, nổi tiếng nhất là ngôi nhà chữ “Công” với 104 cột, trên 100 tuổi rất đồ sộ được thiết kế theo lối kiến trúc xưa ở miền Bắc. Ngôi nhà thể hiện sự nguy nga, tráng lệ và uy nghi. Các cột ở gian chính khảm xà cừ một cách công phu.
Trên thân đòn có hình ảnh Tứ linh long, lân, quy, phụng và Tứ hữu mai, lan, cúc, trúc. Các tấm vách chạm trổ một số hình hoa quả, chim muông tượng trung cho hạnh phúc.
Đặc biệt, bên trong ngôi nhà này trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm như bộ ván của vua Bảo Đại, bộ bàn của quan thượng phẩm, chiếc gương soi của hoàng hậu, long sàng của vua…
Mang đậm dấu ấn 3 miền
Nhà vườn Nam bộ trong làng cổ Phước Lộc Thọ mang phong cách giản dị của người miền Nam. Kiến trúc nhà xưa miền Tây Nam với 3 gian, 2 chái, đặc biệt có ngôi nhà rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe, gõ, trắc, cẩm lai được sử dụng trong xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX.
Ngôi nhà được thiết kế mô phòng theo kiến trúc của những ngôi nhà dùng làm nơi ở cho các gia đình danh gia vọng tộc thời Nguyễn. Bên trong trang trí nhiều vật dụng quý hiếm như bộ bàn rồng, ngà voi, tủ cổ khảm xà cừ 7 màu...
Những ngôi nhà mang phong cách nhà rường Huế thì nét đặc trưng là sự điêu khắc tinh xảo. Đây là loại nhà phổ biến của quan lại và giới thượng lưu xứ kinh kỳ thời phong kiến. Bên trông ngôi nhà là rất nhiều cổ vật quý với nhiều niên đại khác nhau thuộc nhiều chất liệu như đá, gỗ, kim loại, gốm sứ...
Ngoài ra, ở làng cổ Phước Lộc Thọ có 6 ngôi biểu theo lối kiến trúc Tây Nguyên. Các vật dụng như cồng, chiêng, các bức tượng cho đến các dụng cụ lao động của đồng bào dân tộc đều được ông Mỹ sưu tầm. Người xem sẽ ấn với những nét văn hóa riêng của cư dân núi rừng.
Bên cạnh đó, cũng không thiếu các vật tâm linh văn hóa của người Việt bằng đủ các chất liệu gỗ, sắt, đồng, gốm sứ đa dạng về niên đại, phong phú về chủng loại. Trong đó có cả những vật dụng cổ mang phong cách hiện đại thời thực dân Pháp mới sang đô hộ Việt Nam, như điện thoại, radio, máy hát, máy chụp hình, đèn ngủ,…
Phía bên ngoài, tại khu nhà tiểu lâu tứ giác bát dần (là nhà các vị quan lớn triều Nguyễn) có bộ 3 tượng đồng cùng niên đại, khắc họa sinh động các vị: Phật Như Lai, Phật Bà Quan Âm và Địa Tạng vương Bồ tát.
Sau lưng các bức tượng này đều có khắc dấu triện. Chính vì nét cổ kính, độc đáo của Làng cổ Phước Lộc Thọ, nơi đây đã trở thành phim trường của nhiều bộ phim cổ trang.
Với kỳ công sưu tầm và phục dựng những ngôi nhà cổ của chủ nhân ngôi làng Phước Lộc Thọ, năm 2012, ngôi làng này đã được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi lưu giữ và sở hữu nhiều ngôi nhà cổ nhất cả nước.
Link nội dung: https://nguyenhuonggiang.vn/doc-dao-lang-co-phuoc-loc-tho-a53.html