Hai dòng Vàm Cỏ của Long An

Long An là tỉnh duy nhất của miền Tây Nam bộ không có dòng Cửu Long chảy qua. Tuy nhiên, Long An có 2 dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây gắn liền với đời sống, văn hóa và lịch sử của người dân Long An.

1. Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thường bị nhầm lẫn là 2 nhánh của sông Vàm Cỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là 2 dòng sông hoàn toàn khác nhau, hòa làm một trước khi đổ ra biển. Cả 2 dòng Vàm Cỏ đều bắt nguồn từ Campuchia. Nếu Vàm Cỏ Đông chảy qua các huyện vùng thượng: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức rồi vào Cần Đước trở thành Vàm Cỏ thì Vàm Cỏ Tây lại qua vùng Đồng Tháp Mười với các huyện, thành phố: Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thủ Thừa, Tân An, Châu Thành, Tân Trụ rồi nhập vào sông Vàm Cỏ và đổ ra cửa biển Soài Rạp.

Sông Vàm Cỏ Tây "ấp ôm" TP.Tân An (Ảnh: Phan Thư)

Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tuy riêng biệt nhưng luôn có các dòng kênh giúp nối liền 2 dòng sông: Kênh Trà Cú Thượng, kênh Thủ Thừa. Và tại điểm giáp nước ở kênh Thủ Thừa xưa kia, ông Mai Tự Thừa dựng quán, lập làng, đặt "viên gạch" đầu tiên hình thành vùng đất Thủ Thừa hôm nay. Không chỉ có Thủ Thừa, TP.Tân An cũng được hình thành và phát triển bên dòng Vàm Cỏ Tây. Trong quyển sách Tân An xưa (Đào Văn Hội) có đoạn chép: “Quân đội Pháp chiếm Nam kỳ tước đoạt 3 tỉnh miền Đông: Biên Hòa - Gia Định - Định Tường do hòa ước năm Nhâm Tuất ký kết ngày 05/6/1862... Thuở bấy giờ, phủ Tân An vẫn thuộc địa phận tỉnh Gia Định và ban sơ phủ đường đặt tại Châu Phê, chợ Cai Tài, làng Quê Mỹ Thạnh. Năm 1863, chính quyền dời phủ lỵ về làng Nhơn Thạnh, tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây.

Năm 1864, một viên tham biện Pháp được bổ nhiệm cai trị phủ này. Cuối năm 1868, phủ được vĩnh viễn dời về vị trí tỉnh lỵ Tân An hiện nay, lúc bấy giờ gọi là Vũng Gù. Lúc trước, tổng Hưng Long thuộc phủ Kiến An (tỉnh Định Tường). Năm 1867 sáp nhập với Tân An và năm 1871, phủ Tân An lại thêm tổng Mộc Hóa, khi xưa thuộc phủ Tây Ninh. Như vậy các tổng làng nằm giữa 2 con sông Vàm Cỏ đều được nhà cầm quyền Tân An kiểm soát”.

2. Hai dòng sông Vàm Cỏ là cung đường thủy quan trọng nhất của tỉnh, có vai trò lớn trong việc cung cấp nước ngọt, xả phèn và góp phần thoát lũ cho một số địa phương. Không chỉ vậy, 2 dòng sông còn được nhiều người biết đến qua thơ, nhạc và những chiến công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Phó Giám đốc Bảo tàng, Thư viện tỉnh - Nguyễn Văn Thiện cho biết: “2 dòng sông Vàm Cỏ gắn liền với nhiều chiến công rực rỡ của dân tộc, có thể được xem là "nhân chứng" lịch sử cho tinh thần đoàn kết, chống ngoại xâm của người dân Long An”.

 

Thuyền đưa du khách xuôi dòng Vàm Cỏ Đông

Theo các nhà nghiên cứu, năm Ất Dậu (1705), nước Cao Miên có loạn. Vua Nặc Ông Yêm bị người em là Nặc Ông Thâm viện binh Xiêm La về đánh, phải chạy sang Gia Định cầu cứu. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân đi đánh Nặc Ông Thâm ở Rạch Gầm. Mai Công Hương chỉ huy đoàn thuyền vận chuyển lương thực theo sau. Mai Công Hương làm Xá lại thuộc Ty Xá Sai ở dinh Phiên Trấn, trông coi việc chuyên chở lương thực. Đoàn thuyền lương của Mai Công Hương đến vàm Bao Ngược, tức khoảng hợp lưu của sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây thì bị giặc chặn đánh. Quân ít, liệu bề khó chống, ông lệnh đục chìm thuyền và tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc.

Tại nơi thuyền chìm năm ấy, nhà Nguyễn lập ngôi miếu thờ ông, quay ra hướng sông Vàm Cỏ. Ngôi miếu được người dân chăm sóc, hương khói cho đến ngày nay và trở thành một địa danh phổ biến tại huyện Tân Trụ. Xung quanh câu chuyện về tấm gương trung liệt của Mai Công Hương còn có những giai thoại ly kỳ khác mà nếu có dịp đến thăm, khách phương xa sẽ được người dân kể lại tận tường.

Ngoài ra, nói đến sông Vàm Cỏ, không thể nào quên câu chuyện “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vào năm 1862. Ngày nay, đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Vàm Nhựt tảo được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và là điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là trong các dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày hy sinh của ông.

Theo Địa chí Long An, cũng trên dòng sông Vàm Cỏ Đông, về phía thượng nguồn, nơi Rạch Tra (còn gọi là Rạch Sông Tra) giáp giới huyện Đức Hòa và Bến Lức, năm 1862 đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa nghĩa quân với 3 chiếc tiểu hạm của Pháp. Viên quan Ba cùng một số lính đã bị giết.

Đôi bờ 2 dòng sông Vàm Cỏ cũng từng in đậm dấu chân nghĩa quân Trương Định, từng là khu căn cứ “bất khả xâm phạm” của bộ đội ta với “đám lá tối trời” vang danh cho đến ngày nay. Đám lá tối trời là 1 trong 8 nội dung tiêu biểu được chọn lựa trưng bày trong không gian trưng bày 8 chuyên đề tại Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", là niềm tự hào của quân và dân Long An.

2 dòng sông Vàm Cỏ vừa anh dũng lại nên thơ, được người dân cả nước nhớ đến qua những lời ca đầy vui tươi, hào khí:

“Ơ... ơi Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông

Nước xanh biêng biếc

chẳng đổi thay dòng

Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng

Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong”.

3. Hai dòng sông Vàm Cỏ vừa mang những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử lại có vẻ đẹp nên thơ do những uốn khúc, quanh co tạo nên nhiều năm qua, được các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch.

Cho đến mãi hôm nay, tiềm năng ấy mới bắt đầu khơi mở khi các tour đường sông đầu tiên được các công ty du lịch khai thác với nhiều tuyến, điểm khác nhau. Hành trình trên sông Vàm Cỏ Đông sẽ cho du khách ngược dòng lịch sử, tìm hiểu quá khứ oai hùng, hiểu hơn về đất và người Long An. Trong khi đó, nếu theo dòng Vàm Cỏ Tây, du khách sẽ được đắm mình trong không gian bình yên, tĩnh lặng và thơ mộng, tìm hiểu những giá trị văn hóa lâu đời của người dân Long An. Và sau cùng, bữa tối trên sông dưới ánh trăng vằng vặc, quyện trong giai điệu tài tử ngọt ngào chắc chắn sẽ khiến du khách say lòng và muốn thêm một lần trở lại.

2 dòng sông Vàm Cỏ đã ấp ôm, nuôi dưỡng Long An từ những ngày đầu dựng quán, lập làng, rồi cùng người dân Long An kiên cường chống giặc, góp phần giúp đồng ruộng thêm đậm phù sa, xả phèn, thoát lũ,... Ngày nay, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tiếp tục hành trình cùng Long An phát triển ngành du lịch, chào mời, giới thiệu với bạn bè về những vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm nhưng không kém phần mạnh mẽ, hiên ngang của vùng đất “cửa ngõ” Đồng bằng sông Cửu Long./.

Quế Lâm

Tài liệu tham khảo:

- Tân An xưa (Đào Văn Hội).

- Địa chí Long An.

- Bài viết Kỷ niệm 310 năm ngày Mai Công Hương tuẫn tiết (1-12 Âm lịch) và khánh thành miễu Ông Bần Quỳ.

Link nội dung: https://nguyenhuonggiang.vn/hai-dong-vam-co-cua-long-an-a49.html