1. Hiện nay, cùng với các cơ sở tín ngưỡng dân gian, các sắc phong thần đã trở thành di sản văn hóa quý báu của địa phương, được người dân gìn giữ, bảo quản trong các ngôi đình. Ở Long An, đình Bình Lập (phường 3, TP.Tân An) hiện còn lưu giữ 3 sắc phong thần mà vua Tự Đức ban tặng cho làng Bình Lập.
Đình Bình Lập - nơi lưu giữ 3 đạo sắc phong thần của làng Bình Lập
Chưa có tài liệu nào đoán định làng Bình Lập (nay thuộc phường 1 và phường 3, TP.Tân An) được thành lập từ bao giờ, chỉ biết làng có từ rất lâu, khi người Việt từ vùng Thuận Quảng vào Nam khai hóa, khoảng đầu thế kỷ XVIII. Lúc này, làng Bình Lập với địa thế đắc địa, hai mặt Đông, Tây giáp 2 con sông lớn: Sông Vũng Gù (Bảo Định) và sông Hưng Hòa (Vàm Cỏ Tây) nên thuyền bè qua lại tấp nập, dân cư sầm uất. Khu vực này còn nổi tiếng có chợ Hưng Lợi (nay là chợ phường 1, TP.Tân An) như trong Gia Định thành thông chí miêu tả: “Chợ Hưng Lợi (tục gọi Vụng Cầu) ở phía Nam sông Bảo Định nhà san sát như vẩy cá. Chợ trông xuống sông lớn, người đi lại thường ghé thuyền đợi nước thủy triều để theo dòng nước mà đi xuôi đi ngược, cho nên sông này nhiều thuyền nhỏ bán thức ăn quý, cũng có khi bán thịt chín, gọi là thịt Bái Đáp...”.
Ban đầu, ngôi làng vẫn chưa mang tên Bình Lập, mãi đến năm 1841, vua Thiệu Trị lập phủ Hòa Thạnh thuộc tỉnh Gia Định kiêm lãnh 2 huyện Tân Hòa và huyện Tân Thạnh (nguyên là đất tỉnh Định Tường) thì tên Bình Lập mới bắt đầu xuất hiện, thuộc tổng Thạnh Hội Thượng, huyện Tân Thạnh, phủ Hòa Thạnh. Đến năm 1852, vua Tự Đức cắt giảm các quan chức thuộc huyện, bỏ phiên hiệu phủ Hòa Thạnh, 2 huyện Tân Hòa và Tân Thạnh cho thuộc về phủ Tân An thống hạt, làng Bình Lập lúc này thuộc tổng Thạnh Hội Thượng, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An và đơn vị hành chính làng mới chính thức được xác lập, công nhận qua 3 bản sắc phong thần do vua Tự Đức ban tặng.
Sắc phong thần Thành Hoàng làng Bình Lập
2. Ba sắc phong thần hiện lưu giữ tại đình Bình Lập có nội dung được viết bằng chữ Hán từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, bút lực vừa phải, nét bút sắc sảo, cuối dòng là dấu triện: Sắc mệnh chi bảo màu đỏ được đóng lên dòng lạc khoản: Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật (ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (1852)); từ chữ ngũ trở xuống, trên chất liệu giấy màu vàng đậm, nền có hình rồng ẩn trong mây màu kim nhũ, xung quanh có khung hoa văn với họa tiết đơn giản.
Về nội dung, cả 3 đạo sắc phong thần làng Bình Lập được vua ban nhằm thừa nhận sự chính thống của làng xã của chính quyền nhà Nguyễn và tôn vinh, xếp hạng các vị thần linh được thờ tự trong ngôi đình làng Bình Lập. Đó là các vị thần: Thành Hoàng, Bạch Mã, Đại Càn Thánh Nương tứ vị. Các vị thần này được người dân thờ phụng từ lâu, có công bảo bọc, che chở cho dân làng, có công trạng hiển hách qua bao triều đại nên có mỹ tự phong làm Hạ đẳng thần và Thượng đẳng thần.
Ngoài các sắc phong thần, đình Bình Lập còn lưu giữ gươm, đao do vua Tự Đức ban tặng
Qua nội dung 3 sắc phong thần đang được lưu giữ tại đình Bình Lập cho thấy, ngôi đình cũng được xây dựng từ rất sớm, cùng niên đại với làng Bình Lập (năm 1852), là một trong những ngôi đình cổ trên địa bàn tỉnh Long An, gắn liền với quá trình di, định cư của cư dân người Việt trên vùng đất mới. Đình Bình Lập đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử theo Quyết định số 2867/QĐ-UBND, ngày 01/4/2022.
Hơn một thế kỷ qua, 3 sắc phong thần làng Bình Lập được nhiều thế hệ người dân và Ban Quản lý đình Bình Lập dày công gìn giữ, bảo quản cẩn thận. 3 đạo sắc phong này đã trở thành bảo vật và là niềm tự hào của cộng đồng cư dân nơi đây./.
Hồng Nhung
Link nội dung: https://nguyenhuonggiang.vn/chuyen-ve-3-sac-phong-than-cua-lang-binh-lap-a48.html