Khai phá không gian văn hóa truyền thống thông qua ứng dụng công nghệ số

Với các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động bảo tàng, giờ đây, các sinh viên, người trẻ có thể học hỏi và trau dồi thêm nhiều tri thức theo một cách mới lạ, độc đáo nhưng không kém phần hấp dẫn.

Đối với những người say mê khám phá, muốn tìm hiểu về văn hóa con người ở vùng đất mới thì bảo tàng có lẽ sẽ là địa điểm được lựa chọn hàng đầu. Chỉ có điều, trong hình dung của rất nhiều người Việt nhất là thế hệ trẻ, bảo tàng luôn là một không gian khá khô cứng với những hiện vật và tư liệu nằm im lìm trong tủ kính. Khách tham quan chỉ có thể chiêm ngưỡng và tiếp cận được lượng nhỏ thông tin đính kèm mà bảo tàng cung cấp, từ đó khiến lớp trẻ chẳng mấy “mặn mà” với những địa điểm ý nghĩa linh thiêng thế này.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19  rất nhiều lĩnh vực trong đó có bảo tàng cũng phải oằn mình để thích ứng với “cuộc sống trực tuyến”, nhằm đưa văn hoá, nghệ thuật đến gần hơn với công chúng thông qua ứng dụng công nghệ trong thời gian giãn cách xã hội, cũng như chào đón du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, việc bảo tàng ứng dụng công nghệ số chính là cách khai phá không gian văn hóa truyền thống, mang một diện mạo hoàn toàn mới lạ đến với du khách. 

Muôn màu số hóa bảo tàng

Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam công nghệ đã từng bước được đưa vào ứng dụng bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phục vụ lưu trữ, tiếp cận quảng bá đến muôn nơi. 

Nhiều điểm đến đã ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày, tham quan online từ nhiều năm nay, như Hoàng thành Thăng Long đã cho ra mắt các tour du lịch về đêm, di tích Nhà tù Hỏa Lò có kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify (ứng dụng nghe nhạc) và Apple Podcasts; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ… 

Bàn về tác động của bảo tàng số đối với công chúng, bà Nguyễn Thị Định - Phó Trưởng phòng Giáo dục Công chúng- Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Ứng dụng công nghệ nổi bật tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải kể đến ứng dụng tham quan 3D trên website, toàn bộ thông tin được đăng tải trên website có thể giúp du khách tham quan một cách thuận tiện nhất kể cả khi không có điều kiện đến tham quan trực tiếp. Tiếp nối thành công đó, năm 2021 Bảo tàng đem đến một trải nghiệm nâng cấp hơn với ứng dụng 3D thực tế ảo. Chỉ cần một “click” du khách có thể tham quan không gian 3 chiều và mỗi một hiện vật đều được xây dựng điểm nhấn giúp du khách trải nghiệm siêu thực, một việc làm chưa từng có tại bảo tàng trước đây.”

Ngoài ứng dụng công nghệ 3D thực tế áo, bà Nguyễn Thị Định chia sẻ thêm: “Bảo tàng còn ứng dụng thuyết minh tự động, dù đã cho ra mắt ứng dụng thuyết minh tự động vào năm 2013 nhưng đến năm 2020 đã được thay đổi hình thức vừa kết hợp thiết bị thuyết minh tự động, vừa sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR. Tại cơ sở một của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có tổng cộng hơn 94 mã QR tương đương với 94 bài giới thiệu vô cùng đặc sắc.”

Truy cập vào trang web của Bảo tàng, du khách có thể tham quan, tìm hiểu hiện vật trên nền tảng 3D bằng cách sử dụng mũi tên trên màn hình để di chuyển, vừa ngắm các hiện vật trưng bày, vừa lắng nghe giọng thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên ảo.

Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa tư liệu, nhiều bảo tàng còn liên kết với các công ty chuyên về công nghệ để phát triển các nền tảng số như hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR code tương tác tại các điểm tham quan, bảo tàng, di tích; công nghệ thuyết minh tự động (audio guide); công nghệ tiên tiến như công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ lưu trữ điện toán đám mây... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Với cách tiếp cận gần gũi, tạo hứng thú, tò mò, các điểm di tích, bảo tàng đã bước đầu tạo nên sức hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.

Khẳng định chuyển đổi số là bước đi tất yếu trong hoạt động của bảo tàng, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL, cho biết: “Nhu cầu để có thể thưởng thức, trải nghiệm hoặc khám phá những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là nhu cầu thiết yếu của con người. Thế nhưng, trong điều kiện di chuyển khó khăn cần phải có một giải pháp và giải pháp số hóa giúp đưa các di sản phi vật thể của Việt Nam đến với công chúng trên thế giới. Đây là một xu hướng tất yếu, phải thực hiện trong thời đại ngày nay.” 

Còn Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết, “ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với ứng dụng công nghệ số đã được tiếp cận, học hỏi trong việc bảo tồn di sản cùng những tài liệu, hiện vật lưu giữ tại bảo tàng. Kể đến như tương tác 3D về bảo vật quốc gia, những tài liệu và ứng dụng công nghệ số đó đang được tiếp tục cập nhật, bổ sung để có thể giới thiệu đến công chúng một cách thuận lợi bối cảnh xu hướng hiện nay.” 

Theo Bộ VH-TT&DL

Kết nối giữa không gian văn hóa truyền thống và du lịch

Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, những khái niệm công nghệ hiện đại tưởng chỉ tồn tại ở những quốc gia phát triển như “tương tác 3D”, “tiếp xúc không chạm”, “thực tế ảo”, “thực tế ảo tăng cường”, “thuyết minh tự động đa ngôn ngữ”... đã dần trở nên quen thuộc với công chúng đam mê khám phá. Và hiện nay, bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ di sản nói chung mà còn là nơi để gắn kết cộng đồng, nhiều bảo tàng đã trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.  

Các điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch với hàng trăm nghìn hoặc thậm chí lên đến cả triệu lượt khách tham quan hàng năm như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đắk Lắk, cùng nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh đã vươn lên trở thành những điểm đến thường xuyên trong các tuyến du lịch của nhiều đối tượng du khách. 

Việc chuyển đổi số giúp bảo tàng trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút số đông tìm đến trải nghiệm, làm giàu vốn tri thức, qua đó cũng dễ dàng “chạm đến trái tim” của giới trẻ, giúp khơi dậy niềm tự hào, tinh thần dân tộc. Đây thực sự là một bước tiến lớn trên chặng đường phát triển của các bảo tàng và di tích Việt Nam hiện nay./.a

Link nội dung: https://nguyenhuonggiang.vn/khai-pha-khong-gian-van-hoa-truyen-thong-thong-qua-ung-dung-cong-nghe-so-a20.html